Làm việc dưới trướng một người sếp tồi thì không khác gì đi trên con thuyền mất lái, bạn sẽ không học hỏi thêm được gì ngoài những ức chế mà người sếp đó mang lại. Khi có những dấu hiệu không ổn qua 4 lời nói “tiêu biểu” sau thì bạn cũng nên xem xét kĩ việc tiếp tục ở lại hay ra đi.
“Việc đó dễ/đơn giản mà”
Nếu công việc đó đơn giản thật thì không nói làm gì nhưng nếu giao việc kiểu: “Làm gấp cho anh cái background/cover/…này trong sáng nay em nhé!”, “Cái TVC đó đơn giản mà, em làm giống của thằng abc này là được, 3 ngày xong không em?”,…thì thật sự không thể chấp nhận nổi. Một phần nguyên nhân của câu này đó là họ không hiểu thực chất công việc giao cho bạn được thực hiện như thế nào, họ chỉ thấy thành phẩm của người khác và cứ thế giao cho bạn thôi.
Tệ hơn là khi bạn cố gắng hoàn thành yêu cầu vô lý đó thì sếp với cái suy nghĩ rằng việc đó đơn giản thì cũng sẽ không đánh giá công sức của bạn đâu.
“Anh nhìn qua/nghe qua là anh biết”
Thông thường trước khi sếp nói ra câu nói “khó nghe” này thì luôn rào trước bằng câu “Anh muốn các em trao đổi công việc thẳng thắn với anh, anh không muốn giữa sếp với nhân viên có khoảng cách” hay các câu tương tự như vậy. Và sau khi nghe thì bạn tin sái cổ và trao đổi thẳng thắn với sếp thật. Nhưng rất tiếc khi chưa trình bày xong thì bạn sẽ được nhận lại câu “Cái đó anh biết rồi, anh nghe qua thôi là anh biết”.
Thực tế việc trao đổi với sếp cần một sự khéo léo nữa nhưng nếu đối với người sếp không hề có ý muốn lắng nghe ý kiến của nhân viên mình thì tốt nhất không nên trao đổi để không rước khó chịu vào người.
“Em được làm ở đây là tốt lắm rồi”
Ngầm ý của câu này đó là “anh đây đang ban cho chú mày một công việc tốt giữa thời kì khó khăn này đấy, phải biết ơn nghe chưa”. Khá nhiều bạn sinh viên mới ra trường sẽ giữ suy nghĩ đó là đúng và cống hiến hết mình dù đãi ngộ có bèo bọt đến đâu.
Đừng nghĩ thế, dù bạn là ai hay làm ở vị trí nào, có kinh nghiệm hay không thì mối quan hệ giữa bạn và sếp là ngang nhau, bạn làm việc và họ trả công cho bạn, chứ không phải mối quan hệ giữa một người ban ơn và một người nhận ơn. Bạn cần giữ quan điểm về giá trị bản thân thật rõ ràng để tránh trường hợp bị bóc lột sức lao động.
Và tổng hợp những lời hứa không bao giờ thành hiện thực
Khác với những câu nói “kinh điển” trên, những lời hứa hẹn của sếp sẽ ngược lại, rất hay ho và luôn đem lại một viễn cảnh đẹp cho nhân viên. Có một sự thật là nếu công ty làm được thì họ đã có chính sách thực hiện ngay chứ không hứa. Còn nếu đã hứa thì hơn 90% điều đó sẽ không thực hiện hoặc sẽ rất rất lâu mới thực hiện, có thể lúc đó bạn không còn kiên nhẫn đợi nữa mà chuyển công việc sang nơi khác rồi.
Một số câu tiêu biểu như: “Sắp tới công ty mình sẽ có chiến dịch quảng bá rầm rộ, chạy quảng cáo trên hàng loạt phương tiện thông tin đại chúng”, “Các em sẽ được nhận 10% trên tổng doanh số hợp đồng ký được”, “Công ty luôn tạo điều kiện cho các em đi học bổ sung kiến thức, chi phí công ty sẽ lo”, “Năm tới công ty sẽ tiến hành đóng bảo hiểm cho các em” và tất nhiên là không có cái “năm tới” đó.
Bạn từng nghe câu hứa hẹn nào của sếp nữa, chia sẻ phía dưới nhé!