Đã bao lần bạn tự hứa với lòng rằng sẽ đi vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay trung tâm thương mại để mua chút đồ thôi rồi rốt cuộc lại bê về nhà cả mấy túi đầy ụ những hàng hóa khác? Mọi thứ đều có lý do cả đấy!
Một nhân viên marketing từng làm việc lâu năm cho các cửa hàng bán lẻ đã tiết lộ vài mánh khóe mà siêu thị thường dùng để giữ chân bạn lâu hơn khiến rút hầu bao trong vô thức, và dù cho về nhà bạn có tự hối hận đế bao nhiêu thì lần sau mọi thứ vẫn sẽ lặp lại như cũ.
Hãy đọc qua thử các mánh khóe sau xem bạn đã từng “vô tình” mắc phải chưa nhé.
Hàng dùng thử
Trong siêu thị, thỉnh thoảng bạn sẽ thấy các gian hàng cho sử dụng thử các sản phẩm, thường là đồ ăn hoặc nước giải khát. Bạn cho rằng họ làm vậy để xem thử phản ứng khách hàng về sản phẩm, kích thích họ mua? Không đâu, mánh khóe cả đấy!
Hoạt động này thực chất là một cái bẫy tâm lý, khiến bạn khi dùng thử sẽ có cảm giác “mang ơn”, muốn đáp lại khi đã nhận một thứ gì đó, và trên thực tế đúng là như vậy.
Nghệ thuật đặt giá
Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao giá cả niêm yết trong siêu thị thông thường lại là con số lẻ không? Ví dụ như là 19.900đ, 99.900đ, 159.900đ,…thay vì để tròn số tiền.
Đây cũng là một cái bẫy tâm lý khác, theo nghiên cứu thì khi khách hàng nhìn vào giá tiền được để lẻ như vậy sẽ tạo cho họ cảm giác món đồ đó rẻ hơn, khiến họ dễ bị thu hút hơn và tất nhiên là dễ dàng bỏ tiền ra hơn.
Những tấm gương được đặt có mục đích
Tại các quầy hàng trong siêu thị, thông thường lại được lắp một vài cái gương, để làm gì vậy? Phàm là con người, chúng ta luôn có xu hướng được nhìn bản thân qua gương, và việc lắp gương như vậy sẽ khiến tốc độ đi của bạn chậm lại, mà đi chậm lại thì sẽ để ý sản phẩm trên quầy hàng lâu hơn, kích thích bạn bỏ tiền ra mua hơn.
Sử dụng các từ ngữ kích thích mua sắm
“Chỉ một đêm duy nhất, chỉ một đêm duy nhất”, “35 ngàn quẹo lựa 35 ngàn đồng giá sản phẩm”,…nghe rất quen thuộc phải không? Tại các siêu thị cũng vậy, họ sử dụng các từ ngữ gây độ “khan hiếm” như giảm giá chỉ còn 39 nghìn đồng, chỉ còn vài size,…khiến bạn nhanh chóng muốn mua ngay vì sợ không còn cơ hội nữa, ngoài ra còn làm bạn cảm giác món đồ đó đỡ tốn tiền hơn mọi khi.
Bao bì là yếu tố quan trọng
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, nhưng trong nghệ thuật marketing thì nước sơn có đẹp thì người ta mới để ý đến chất lượng. Mánh khóe này được áp dụng đối với các đối tượng là trẻ em, ví dụ cùng là một chai nước, nhưng nếu bao bì là một nhân vật hoạt hình được yêu thích hoặc mang màu sắc sặc sỡ thì doanh thu của loại nước đó sẽ còn cao hơn nhiều.
Sắp xếp sản phẩm theo cặp
Kem đánh răng đặt gần bàn chải, nước giải khát đặt gần bánh ngọt, đồ ăn nhanh đặt gần tương ớt tương cà,…Đây là cách gợi ý của siêu thị cho khách hàng về những món đồ cần mua tiếp sau một món hàng nào đó, đem lại tỉ lệ thành công rất cao.
Thiết kế không gian
Bạn có để ý rằng trong siêu thị không được đặt đồng hồ, không có cửa sổ nhìn ra ngoài? Mục đích là để bạn quên đi ý niệm về thời gian, nghĩ rằng vẫn còn sớm và dạo thêm chút nữa. Mánh khóe này cũng được áp dụng tại các casino nhằm giữ chân khách trong vô thức lâu nhất có thể.
Hệ thống camera
Hệ thống camera an ninh trong siêu thị thường được hiểu là để chống trộm, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện thôi. Việc lắp đặt camera ở khắp siêu thị nhằm giúp họ thu được phản ứng của khách hàng, hành vi mua sắm, thậm chí có cả máy quét thân nhiệt để nắm được cảm xúc của khách hàng đối với những sản phẩm nhất định. Từ đó rút ra thêm vài “mánh khóe” mới.