Big data (dữ liệu lớn) là thuật ngữ thông dụng đối với các doanh nghiệp (DN) lớn, dùng để chỉ một kho dữ liệu thông tin khổng lồ và phức tạp về sở thích, thói quen của người tiêu dùng dựa trên những tương tác của họ trên website, ứng dụng di động, mạng xã hội… Biết cách khai thác, sử dụng nguồn dữ liệu này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nhỏ.
Theo chuyên gia tiếp thị chuyên về chiến lược định hướng dữ liệu Marina Erulkar – Giám đốc, nhà sáng lập Công ty Tiếp thị Hampstead Solutions, sau đây là 8 bước giúp chủ DN nhỏ khai thác hiệu quả sức mạnh của big data:
1. Tập trung vào những dữ liệu cần thiết
Để tận dụng tốt big data, DN nhỏ phải tập trung tối đa vào những dự định và mục tiêu của mình, nghĩa là phải chọn lọc những thông tin đáng được quan tâm và chấp nhận bỏ qua những thông tin khác.
Tính kỷ luật là chìa khóa để khai thác sức mạnh của big data, vì nếu không có nó, DN sẽ bị quá tải bởi những số liệu có thể được tạo ra từ việc đo lường những thông tin không cần thiết.
Chẳng hạn, DN có thể dễ dàng đo lường được số lượt “like” của các bài đăng trên mạng xã hội Facebook. Tuy nhiên, những dữ liệu đó gần như không nói lên được điều gì, vì có thể có đến hàng triệu người nhấn nút “like” nhưng chưa bao giờ đọc nội dung bài đăng của DN.
2. Đặt ra những mục tiêu rõ ràng
DN, đặc biệt là các DN mới thành lập, phải đặt ra những mục tiêu và cột mốc thời gian rõ ràng cho việc khai thác big data. Chẳng hạn, một DN mới cần đặt mục tiêu thu hút khách hàng trong ngắn hạn, nhưng cũng cần một mục tiêu khác dài hạn hơn để tăng doanh thu từ những khách hàng này.
Nhờ xác định rõ mục tiêu cũng như thời gian thực hiện, DN mới có thể tập trung nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đầu tiên, sau đó thực hiện riêng lẻ hoặc song song mục tiêu thứ hai là tăng trưởng khách hàng.
Việc thiết lập mục tiêu giúp DN nhỏ dễ đạt được hiệu quả tăng trưởng theo từng giai đoạn như dự kiến và đảm bảo những kết quả đo lường thực sự kịp thời và có giá trị. Những mục tiêu này còn giúp DN xác định chính xác những dữ liệu cần thiết.
Trong trường hợp những dữ liệu được đòi hỏi không có sẵn, chủ DN hoặc nhà tiếp thị cũng có thể xác định những nguồn tìm kiếm cần thiết và bắt đầu xây dựng bộ dữ liệu cần thiết đó cho DN.
3. Bổ sung kiến thức tiếp thị
Khi đã có được doanh thu, những hiểu biết về tiếp thị sẽ giúp chủ DN nhận thấy những dấu hiệu cho thấy nên bắt đầu tiến hành bán thêm (up-selling: nâng cấp một sản phẩm hiện tại, thuyết phục khách hàng mua một phiên bản đắt tiền hơn của sản phẩm cùng loại), và bán chéo (cross-selling: đem đến cho khách hàng những sản phẩm hay dịch vụ cộng thêm).
Việc tự tổ chức hoặc tham gia những khóa học hữu ích sẽ giúp DN luôn sẵn sàng cho những thay đổi cần thiết và hơn nữa, giúp cho quá trình thay đổi đó diễn ra hiệu quả.
Sử dụng hệ thống KPI và số liệu có liên quan đến mục tiêu. Những thông tin có được từ các chỉ số KPI (viết tắt của Key Performance Indicator – chỉ số đánh giá quá trình thực hiện công việc) và nhiều số liệu khác có liên quan đến mục tiêu chính là cơ sở để đưa ra những quyết định tiếp thị quan trọng.
Ví dụ, những số liệu về sự phản hồi của khách hàng đối với thông điệp của DN (số lần mở đường dẫn, số lần nhấp chuột), mức độ nhận biết (lưu lượng truy cập website, thời gian ở lại trang), chi phí chuyển đổi từ khách hàng tiềm năng thành người mua hàng, kết quả bán hàng (sản phẩm và doanh thu)… đều góp phần phục vụ cho mục tiêu thu hút khách hàng.
4. Hiểu rõ chất lượng của dữ liệu
DN phải tự tin khi sử dụng dữ liệu để đưa ra những quyết định mang tính chiến lược. Và để đánh giá chất lượng dữ liệu, DN phải dựa vào nguồn dữ liệu, thời điểm thu thập cũng như độ chính xác của chúng. Nếu sử dụng những “dữ liệu rác” hoặc những dữ liệu chưa được phân tích, tổng hợp đầy đủ thì những kết quả hoặc dự báo được đưa ra dựa trên những dữ liệu này đều không đáng tin cậy.
5. Đo lường thường xuyên
DN nên thường xuyên đưa ra và tận dụng các chỉ số KPI và các số liệu có liên quan đến mục tiêu tiếp thị. Những kết quả được báo cáo liên tục giúp DN dễ dàng nắm bắt những xu hướng và cơ hội mới. Dữ liệu mỗi DN tạo ra đều mang tính độc nhất và trở thành lợi thế cạnh tranh cho chính DN đó.
6. Tìm hiểu ý nghĩa của dữ liệu
Đi đến bước này, DN đã có thể chứng kiến thành quả của cả quá trình từ lập kế hoạch đến báo cáo và phân tích dữ liệu. Việc thấu hiểu ý nghĩa của việc đo lường đòi hỏi kỹ năng, tư duy phê phán. Chủ DN hoặc người làm tiếp thị phải hiểu rõ về DN, những mục tiêu đã đề ra và những kết quả số liệu đem lại. Không ai có thể thay thế họ làm việc này.
7. Đồng thời, chủ DN hoặc nhà tiếp thị cũng phải có tầm nhìn xa
Chẳng hạn, dựa vào dữ liệu có thể thấy khách hàng có nhiều phản ứng tích cực với các chiến lược giá ưu đãi. Vậy DN có nên tiếp tục đưa ra giá ưu đãi để thu hút thêm khách hàng? Đối với DN nhỏ, việc hạ giá liên tục không phải là lựa chọn khôn ngoan. Do đó, việc kiểm tra kỹ lưỡng đối với các yếu tố khác cùng góp phần tạo ra kết quả dữ liệu đó có thể dẫn đến những quyết định khác hợp lý và hiệu quả hơn.
8. Lặp đi lặp lại quá trình phân tích, tổng hợp
Dựa trên những thông tin dữ liệu đã phân tích, tổng hợp, DN quy mô nhỏ có lợi thế là khả năng nắm bắt cơ hội một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn so với các DN lớn. Việc lặp đi lặp lại quá trình này giúp liên tục tiến bộ trong việc định hướng dữ liệu, từ đó tạo ra kết quả kinh doanh ngày càng khả quan.
BÍCH TRÂM (theo Entrepreneur)