Liệu nhân viên của một công ty có thể bị đuổi việc vì dùng sản phẩm của công ty đối thủ hay không? Câu trả lời là Có.
Cho dù đó chỉ là một sản phẩm nước giải khát, nhưng đối với những ông lớn như Coca-Cola và Pepsi thì đây là cả một luật ngầm đáng sợ giữa các công ty vốn là đối thủ truyền kiếp với nhau.
Nhân viên Coca-Cola thâm niên 12 năm vẫn bị đuổi việc vì “trót” uống Pepsi
Năm 2012, Rick Bronson, một tài xế lái xe tải chở Coca đã bị sa thải sau khi bị phát hiện uống Pepsi , loại nước ngọt do công ty đối thủ sản xuất. Được biết người này đã làm việc cho Coca Cola được 12 năm.
Tuy nhiên, Bronson tin rằng người tố cáo đã được công ty thuê để theo dõi khi ông mất cảnh giác và sau đó họ đuổi việc ông vì một mục đích nào đó. Sở dĩ Bronson nghĩ như vậy vì ông uống Pepsi ở sau cửa một cửa hàng chứ không phải uống công khai. Về phần mình, đại diện của Coca từ chối bình luận về vụ việc trên.
Sự việc trên đã gây ra không ít tò mò cho mọi người, rằng liệu nhân viên của một công ty có thể bị đuổi việc vì dùng sản phẩm của đối thủ hay không.
Tyler Thompson, cựu tài xế chở Coca-Cola chia sẻ: “Khi làm việc cho Coca Cola với tư cách là một tài xế, tôi phải mặc đồng phục và khi đó, tôi không thể uống các sản phẩm của Pepsi. Ngoài ra, tôi cũng phải cẩn thận với những nhà hàng mà tôi đến dùng bữa bởi nhiều nơi chỉ phục vụ Pepsi hoặc do Pepsi sở hữu.
Nếu bị báo cáo với người giám sát rằng tôi đã uống Pepsi hoặc đơn giản là đi vào một địa điểm chỉ phục vụ các sản phẩm của họ, tôi có thể bị kỷ luật, bao gồm chấm dứt hợp đồng, tùy thuộc vào hoàn cảnh, tần suất vi phạm và thái độ của tôi.
Nếu vi phạm lần đầu, tôi sẽ bị khiển trách miệng nhưng nếu tiếp diễn, sẽ có văn bản cảnh cáo và nặng nhất là bị sa thải nếu nghiêm trọng hơn. Đối với nhân viên trong nhà máy, mọi việc diễn ra tương tự và họ sẽ được yêu cầu vứt bỏ chai nước ngay lập tức nếu bị phát hiện uống Pepsi ngay tại nơi làm việc”.
Điều luật ngầm này có tồn tại ở các doanh nghiệp khác không?
Một chia sẻ khác gây chú ý về vấn đề này:
“Tôi chưa từng làm việc cho Coca Cola hay Pepsi nhưng tôi đã gặp tình huống tương tự ở một công ty sữa của Canada, nơi tôi từng làm việc. Một lần, trong cuộc họp công ty, mọi người bắt đầu thảo luận hướng tới cuộc chiến trên thị trường sữa. Khi cấp trên của tôi hỏi: ‘Sản phẩm của họ thế nào?”’ (đối thủ cạnh tranh), tôi đã buột miệng nói: ‘Chúng khá ngon’.
Ông ấy ngạc nhiên hỏi tại sao tôi biết và tôi thành thật nói rằng mình mua vì chúng rẻ hơn đáng kể và sữa nào mà chẳng là sữa. Một bầu không khí im lặng bao trùm căn phòng khiến tôi có dự cảm không lành.
Đến cuối buổi, sếp gọi tôi lại một góc và nói: ‘Làm gì ở nhà là việc riêng của cậu, không phải của chúng tôi. Nhưng hãy suy nghĩ trước khi nói ra một điều gì đó kẻo rước họa vào thân. Công ty nào cũng muốn nhân viên trung thành. Việc không ủng hộ công ty ngay từ nội bộ có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn cậu nghĩ’.
Từ đó, tôi đã học được một bài học là đừng bao giờ sử dụng sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, ngay cả khi đó là việc riêng bởi nó có thể ảnh hưởng đến uy tín của công ty bạn đang làm việc và cả công việc của bạn. Bạn có thể không bị sa thải vì dùng sản phẩm của đối thủ cạnh tranh nhưng hành động này cho thấy lòng trung thành và ảnh hưởng trực tiếp đến “tuổi thọ” của bạn ở công ty. Trong trường hợp trót làm như vậy, đừng nói với bất kỳ ai. Càng ít người biết càng tốt. Tôi đã suýt đưa thòng lọng vào cổ vì sự ngu ngốc đó.
Thật may mắn là tôi đã không bị đuổi việc, tuy nhiên, kể từ đó, tôi dừng hẳn việc mua sữa của đối thủ và cẩn trọng với mọi điều mình nói tại nơi làm việc”.
Phía Pepsi nói gì về điều luật ngầm này?
Tất nhiên không có ngoại lệ, Wayne Calloway – cựu giám đốc điều hành của Pepsi từng tuyên bố bất cứ ai làm việc cho công ty, nếu cố tình uống Coca tại nơi làm việc sẽ bị sa thải nếu không có lý do giải thích hợp lý (ví dụ như uống thử để so sánh và phục vụ cho việc nghiên cứu phát triển sản phẩm). Những nhân viên vi phạm sẽ không được khoan dung bởi không ít nhiều gì thị họ cũng từng được nhắc nhở gián tiếp về điều này.
Kết
Vấn đề cạnh tranh giữa các doanh nghiệp chưa bao giờ là chuyện đơn giản, chỉ cần nhìn vào các ông lớn “kèn cựa” nhau như thế nào bạn sẽ hiểu được điều đó, họ cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ nhất để bảo vệ danh tiếng trị giá hàng trăm triệu đô của mình. Đã từng có không ít các nghệ sĩ được chọn làm gương mặt đại diện cho một thương hiệu nhưng lại vô tình để lộ đang sử dụng một sản phẩm của đối thủ liền bị chấm dứt hợp đồng và bồi thường theo điều khoản rất nặng nề.
Có lẽ không chỉ riêng hai ông lớn Coca và Pepsi mà hầu hết mọi công ty trên thế giới đều có “luật ngầm” như vậy. Điều luật đó sẽ không được phổ biến trực tiếp nhưng chỉ cần đủ tinh tế và vẫn muốn làm nhân sự của công ty, họ sẽ không dại gì mà ủng hộ đối thủ của mình!