Xây dựng thương hiệu và giúp sản phẩm đứng vững trên thị trường là một quá trình tiêu tốn rất nhiều thời gian, nguồn nhân lực và tài chính. Ngay từ giai đoạn khởi sự, bạn cần chuẩn bị những nền móng cơ bản nhằm dễ dàng phát triển các hoạt động brand và marketing sau này.
Ngược lại với những công ty lớn có hẳn một đội ngũ chuyên nghiệp và tư vấn bài bản, các doanh nghiệp “siêu nhỏ” hoặc vừa mới thành lập sẽ rất chật vật với chiến lược phát triển của mình. Hãy lưu ý 4 thành tố dưới đây để đặt những viên gạch đầu tiên cho thương hiệu với quy mô nhỏ.
1. Triết lý & thông điệp thương hiệu
Triết lý & thông điệp mạnh mẽ, rõ ràng, nhất quán sẽ giúp khách hàng tiềm năng ngay lập tức biết được bạn là ai và tại sao họ phải mua sản phẩm của bạn. Trong phần này, bạn nên nói về những lợi ích mà thương hiệu mang đến cũng như những điểm làm nên sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh.
Vậy làm thế nào để có được những thông điệp có sức ảnh hưởng? Sau đây là một số câu hỏi bạn nên cân nhắc:
– Vì sao công ty bạn tồn tại? Bạn muốn thay đổi điều gì thông qua sản phẩm của mình? Sau khi trả lời xong, bạn sẽ thu hẹp được phạm vi để tìm ra nguyên nhân cốt lõi mà doanh nghiệp của mình tồn tại và phát triển.
– Sứ mệnh của công ty bạn là gì? Hay nói cách khác, bạn giải quyết vấn đề gì cho khách hàng của mình?
– Điều gì khiến bạn khác biệt? Đâu là điều chỉ có công ty của bạn làm? Hiểu được điểm khác biệt sẽ khiến bạn nổi bật lên trong một thị trường tấp nập với nhiều đối thủ cạnh tranh.
– Câu chuyện của thương hiệu bạn là gì? Bất kỳ thương hiệu nào cũng có một câu chuyện. Vậy câu chuyện của bạn là gì? Đây có thể là câu chuyện về sự bắt đầu của công ty bạn, hoặc những hoài bão mà bạn đặt ra khi bắt đầu khởi nghiệp. Người tiêu dùng thường nhìn nhận một thương hiệu thông qua những câu chuyện về thương hiệu đó. Vì vậy, xây dựng những mẩu chuyện lịch sử thương hiệu là một cách vô cùng hiệu quả để truyền tải các thông điệp cốt lõi của mình.
– Đâu là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp bạn? Đâu là điều mà đội ngũ của bạn tin tưởng trên hết và đặt lên hàng đầu?
– Thương hiệu của bạn có cá tính như thế nào? Hãy nghĩ về thương hiệu như một con người: Chuyên nghiệp và Nghiêm túc hay Hào hứng và Vui vẻ? Chọn ra một tính cách phù hợp sẽ giúp bạn xác định cách giao tiếp (tone of voice) với khách hàng hiệu quả.
Bạn cũng có thể xây dựng thêm tagline (một câu ngắn nhưng mạnh mẽ) thể hiện được tinh thần của công ty. Mặc dù không bắt buộc phải có, thế nhưng nếu bạn sử dụng đúng cách, tagline sẽ là một “vũ khí” lợi hại để truyền tải thông điệp thương hiệu.
Bạn có thể tham khảo thêm khóa học Câu chốt hạ của anh Huỳnh Vĩnh Sơn để nắm những kiến thức nâng cao giúp viết slogan, tagline và campaign line hiệu quả hơn.
2. Bộ nhận diện thương hiệu
Sau khi sở hữu cho mình những thông điệp thương hiệu, điều tiếp theo cần làm là chuyển nó sang một hình thức khác: Hình ảnh. Cụ thể hơn là nhận diện thương hiệu mà cốt lõi là logo.
Điều quan trọng là logo cần truyền tải được những thông điệp của thương hiệu thông qua thiết kế, màu sắc và sự lựa chọn font chữ. Tùy vào cách sử dụng mà những yếu tố này có thể mang đến những cảm xúc khác nhau. Vậy, bạn muốn logo thể hiện điều gì về công ty của mình?
Ví dụ: Sử dụng typography theo phong cách vintage có thể thể hiện thương hiệu mang giá trị trường tồn theo thời gian; hay sử dụng những màu sáng, nổi bật có thể khơi gợi sự hào hứng và năng động…
Khi phát triển bộ nhận diện thương hiệu, hãy đặt ra những câu hỏi sau:
– Nhận diện này thể hiện được những đặc điểm nào của công ty bạn? Người xem sẽ có những cảm xúc như thế nào? Và liệu đó có phải cảm xúc mà bạn muốn truyền tải?
– Logo của bạn trông như thế nào ở các kích cỡ khác nhau? Liệu rằng logo này có trông ổn khi thu nhỏ xuống kích cỡ của ảnh đại diện trên mạng xã hội hay phóng to lên tận kích thước của billboard quảng cáo cỡ lớn hay không?
– Trong vòng 1-2 năm tới, logo của bạn có lỗi thời chưa? Hay nói cách khác, logo của bạn có đứng vững qua thời gian không?
Khi hoàn tất, hãy cố gắng giữ nhận diện thương hiệu của mình được nhất quán. Thiết lập một Brand Guidelines sẽ đảm bảo logo của bạn được sử dụng một cách hợp lý và không bị chỉnh sửa theo những cách không mong muốn.
Logo là sự ấn tượng về hình ảnh mà thương hiệu của bạn tạo ra trong mắt người dùng. Sử dụng logo một cách hợp lý sẽ giúp khách hàng được gợi nhớ liên tục về thương hiệu của bạn với những thông điệp mà bạn muốn truyền tải.
3. “Trụ sở” vững chắc trên internet
Bên cạnh thông điệp và logo, bạn cũng cần xây dựng một “trụ sở” vững chắc cho mình trên Internet. Trụ sở này nên là một website của thương hiệu, thay vì là một page trên Facebook hay một trang Blog.
Website được xem như là một cửa hàng trực tuyến của bạn. Việc sử dụng những nền tảng khác giống như bạn đang phải đi thuê mặt bằng vậy, bạn không có toàn quyền kiểm soát cũng như tiềm tàng không ít rủi ro.
Ngày nay, hầu như chẳng có công ty nào mà không xây dựng cho mình một “trụ sở” trên internet. Hãy chắc rằng website của bạn thể hiện được bạn là ai và công ty bạn mang đến điều gì cho khách hàng.
4. Thấm nhuần nền tảng thương hiệu xuyên suốt công ty
Sau khi đã dành khá nhiều thời gian để xây dựng nền tảng cho thương hiệu của mình, điều bạn cần làm lúc này là đảm bảo toàn thể nhân viên có thể hiểu được và vận dụng những triết lý, thông điệp của thương hiệu vào tất cả hoạt động từ nhỏ đến lớn của công ty.
Thương hiệu của bạn phải ảnh hưởng đến cách mà đội sales trả lời điện thoại, cách mà sản phẩm được đóng gói hay thậm chí là cách mà văn phòng của bạn được bài trí. Hãy đảm bảo rằng, từ sản phẩm, con người cho đến dịch vụ của bạn đều truyền tải một thông điệp nhất quán mà thương hiệu mang lại.
Sau khi hoàn tất những công việc nói trên, lúc này bạn đã có thể tập trung hoàn toàn tâm trí vào những hoạt động marketing và những kênh mà bạn dự định tiếp cận đối tượng của mình (ví dụ: kênh quảng cáo, mạng xã hội, email marketing, v.v…). Ngược lại, nếu bỏ qua 4 yếu tố này, những hoạt động marketing của bạn sẽ khó lòng mang lại hiệu quả như mong muốn.
* Nguồn: Flybluekite