Trong quá trình làm việc, sẽ có thời điểm bạn bị cấp trên khiển trách vì không đạt được doanh số hoặc mục tiêu đã đặt ra. Sau đó, bạn sẽ có cảm giác thôi thúc muốn đặt ra và thực hiện một kế hoạch đầy tham vọng cho năm tới.
Song, trước khi lên bất cứ kế hoạch gì, Warren Buffett, Richard Branson và những nhà quản trị hàng đầu thế giới gợi ý bạn nên trả lời những câu hỏi dưới đây để có quyết định thấu suốt hơn cho sự nghiệp của mình.
Vì sao bạn làm điều này?
Trước khi bạn toàn tâm toàn sức thực hiện kế hoạch kinh doanh năm mới của công ty, bạn đặt ra một câu hỏi quan trọng, đó là lý do bạn thực hiện kế hoạch này.
Trong 3 năm sau khi nhậm chức CEO của eBay, Devin Wenig đã mở ra một chương phát triển hoàn toàn mới cho công ty. Lời khuyên của Devin trước khi thực hiện một kế hoạch cải tổ lớn trong năm là: “Khi bạn bắt đầu xây dựng kế hoạch điều hành doanh nghiệp, bạn cần phải phải thấu suốt câu hỏi vì sao mình lại làm điều này?”.
Với eBay, Devin xác định lý do: “Tôi và công ty tồn tại là để mang đến những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng so với các đối thủ cạnh tranh khác”. Câu trả lời này đã trở thành kim chỉ nam để Devin Wenig điều hành doanh nghiệp tại thung lũng Silicon.
“Bạn cần dồn hết mọi sự tập trung, từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc một ngày làm việc, để tạo ra những gắn kết chặt chẽ hơn trong một thị trường không ngừng đòi hỏi và dễ thay đổi”, Devin Wenig chia sẻ.
Bạn đam mê điều gì?
Đây là câu hỏi phổ biến mà Warren Buffett thường đặt ra trước những nhà quản trị tìm kiếm lời khuyên kinh doanh từ ông.
Vị CEO của tập đoàn Berkshire Hathaway vốn nổi tiếng với tinh thần hào hứng trong công việc kinh doanh đã chia sẻ rằng, sự khác biệt giữa một quản lý giỏi và một lãnh đạo xuất sắc chính là sự đam mê của họ với công việc.
Buffett cảm thấy lo lắng khi các cá nhân vẫn thường tự nhủ rằng “tôi sẽ tiếp tục công việc trong 10 năm nữa, nhưng thực lòng tôi không thấy hứng thú với công việc này lắm”.
Theo ông, một tinh thần làm việc kém hào hứng sẽ kéo theo sự trì trệ của khả năng sáng tạo và năng lượng hành động của bạn. Vì vậy, dù quan điểm này đã quá quen thuộc nhưng vẫn hãy khởi đầu với những gì bạn đam mê nhất.
Làm cách nào để bạn gia tăng giá trị cho khách hàng?
Tony Robbin là tác giả quyển “Money: Master the Game”, được Steve Forbes đánh giá là “mỏ vàng thông tin về cách kiếm tiền trong thế giới hiện đại”.
Robbin cho rằng, nếu bạn muốn xây dựng một nền tảng giàu có hoặc chỉ đơn thuần là muốn gia tăng thu nhập trong những năm tới, “bạn phải tìm ra được giá trị sẽ mang đến cho khách hàng là gì, trước khi mong đợi nhận được lợi nhuận từ thị trường”.
Ở tuổi 17, Robbin nhận ra “bí quyết thành công đơn giản là mang đến nhiều giá trị hơn cho khách hàng so với các đối thủ cạnh tranh của mình”.
Khi nào nên ngưng cạnh tranh?
Tiến sĩ Marshall Goldsmith, cây bút phân tích của các tờ Forbes, Business Week, The Economist cho rằng: “Các công ty đang dành quá nhiều thời gian để học cách nên làm gì mà lại không đủ thời gian để tìm hiểu khi nào nên tạm ngưng cạnh tranh”.
Goldsmith nhấn mạnh rằng hình mẫu chung của những giám đốc điều hành thành công là tính cạnh tranh rất cao, dù rằng những điều họ giành được đôi khi không phục vụ cho nhu cầu của họ.
Goldsmith cho rằng: “Những người chiến thắng luôn yêu cảm giác giành được một điều gì đó cho riêng mình. Và thật khó để những người thành công thông minh có thể tồn tại mà thiếu cảm giác chiến thắng”.
Tuy nhiên, ông cho rằng đôi khi các lãnh đạo cũng nên giảm bớt việc tham già vào một vài “chiến trường” không cần thiết.
Goldsmith đưa ra một tình huống kinh điển làm ví dụ. Bạn trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả và gặp người bạn đời của mình. Người ấy nói rằng: “Hôm nay anh/em đã có một ngày làm việc vất vả”. Ngay lập tức bạn sẽ trả lời “Làm việc vất vả? Vậy là em/anh chưa biết gì về những điều tôi phải trải qua hôm nay rồi”.
Khi dấn thân vào vòng xoay tranh đấu, chúng ta sẽ bị cuốn vào cảm giác chứng minh rằng mình khổ sở hơn cả người sống cùng, dù rằng điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Đó là mặt trái của sự háo thắng.
Vì vậy, lần tới trước khi bước vào cuộc chơi mới, bạn cần hít thở sâu và tự hỏi rằng “Tôi đang cố gắng giành lấy điều gì? Và nó có cần thiết cho cuộc sống của tôi không?”.
Điều này có xứng đáng không?
Trong một lần phỏng vấn, Peter Drunker, cha đẻ của khoa học quản trị, đã chia sẻ với phóng viên rằng: “Quyển sách duy nhất mà các nhà lãnh đạo nên viết suốt sự nghiệp của mình là Làm thế nào để kiếm một triệu đo mà vẫn lên được thiên đàng“.
Theo Drunker, cạnh tranh không có nghĩa là giành chiến thắng bằng mọi giá và bất chấp luật lệ, đạo đức. Bởi nếu theo đuổi những điều như vậy, doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại bền vững được. Vì vậy, Drunker cho rằng các CEO cần suy nghĩ thấu suốt xem: “Tôi có đang bước lên những bậc thang chắc chắn trong sự nghiệp không?”.
Cuộc sống, suy cho cùng không phải là cạnh tranh với ai, mà là cạnh tranh với chính bản thân mình.