Các công ty thương mại đang lần lượt chuyển sang hoạt động đa kênh (omnichannel) để có thể hiện diện mọi lúc mọi nơi trên mọi thiết bị đối với người tiêu dùng. Khi đó, chuỗi cung ứng (supply chain) trở thành nhân tố sống còn trong cuộc cạnh tranh.
Thế giới đang bước vào thời kỳ đầu của nền thương mại thông minh, với việc các công nghệ Internet vạn vật (Internet of Things – IoT) và trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) đang dần trở nên phổ biến. Hai đặc điểm của nền thương mại mới là ranh giới giữa thương mại truyền thống và thương mại điện tử mờ dần, và hoạt động kinh doanh thương mại từ chỗ dựa vào mức độ chính xác của các lời phân tích dự báo nay chuyển sang không lệ thuộc vào thủ thuật này.
Ngành bán lẻ hướng đến đa kênh
Thực tế đã chứng minh những tập đoàn thương mại lớn mạnh như Walmart, Target hay Amazon đều phải dựa trên nền móng hậu cần vững chắc, bao gồm cả những dây chuyền cung ứng khổng lồ và các giải pháp quản trị linh hoạt, luôn đáp ứng được sự thay đổi và sự biến động của thị trường. Walmart là tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới, bao gồm 11.527 cửa hàng hiện diện ở 28 quốc gia, sử dụng 2,3 triệu nhân viên để phục vụ cho hơn 260 triệu khách hàng mỗi tuần.
Thật khó tưởng tượng một nước Mỹ không có Walmart khi mà có khoảng 140 triệu người có thói quen đi đến loạt siêu thị này hằng tuần, mà các điểm đến cách nơi ở của họ không quá 20 phút lái xe. Và, để vận hành hệ thống khổng lồ này, từ năm 2014 đến nay, trung bình mỗi năm Walmart đã đầu tư 32 tỉ đô la Mỹ chỉ riêng cho mảng hậu cần (logistics).
Trong thời gian gần đây, “người khổng lồ” thương mại điện tử Amazon đã tiến hành tái cấu trúc hệ thống hậu cần, từ những tổng kho thành những trung tâm hoàn tất đơn hàng (fulfillment centers) và trung tâm phân phối, và đi kèm theo đó là việc tuyển dụng nhân viên rầm rộ. Amazon đang tìm một quốc gia khác để đặt thêm một đại bản doanh, không chỉ vì để giảm chi phí so với đại bản doanh Seattle ở Mỹ mà còn nhắm đến việc tái cấu trúc hệ thống hậu cần vốn đang trải rộng trên nhiều quốc gia khác nhau. The Wall Street Journal cho biết Amazon đang có kế hoạch tuyển dụng thêm 100.000 nhân sự làm việc toàn thời gian để phục vụ cho hai trung tâm tác nghiệp nói trên của tập đoàn.
Trong khi đó, Target đang đẩy nhanh việc xóa dần ranh giới giữa các cửa hàng bách hóa truyền thống và hệ thống phân phối thương mại điện tử. Nhà bán lẻ khổng lồ này đang khẩn trương tái cấu trúc những cửa hàng theo hướng gọn nhẹ hơn, và có thể thực hiện nhiều chức năng của một trung tâm phân phối. Hãng đang lên kế hoạch mở rộng những giải pháp để thêm sự tùy chọn (option) về phân phối hàng hóa và những cửa hàng bán lẻ đều có thêm chức năng giao hàng đến tận nhà cho khách đặt hàng qua mạng. Tờ Fortune cũng dự báo đến cuối năm nay sẽ có khoảng 6.700 cửa hàng bị xóa sổ trên toàn nước Mỹ, một con số khá lớn khi mà vào lúc cao điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 cũng mới chỉ có 6.163 cửa hàng biến mất. Nguyên nhân chính là cuộc tái cấu trúc khâu hậu cần và chuỗi cung ứng nơi các nhà bán lẻ đang đến hồi quyết liệt.
Khi chuỗi cung ứng là nhân tố sống còn của nền kinh tế cũng như của ngành kinh doanh bán lẻ thì hệ thống hậu cần này phải đáp ứng các điều kiện của quá trình chuyển đổi sang toàn kênh, không chỉ những công ty kinh doanh ở mặt đất tung bay lên trời mà cả các công ty thương mại điện tử cũng sà xuống mặt đất. Nền thương mại mới, nền thương mại kết nối và nay là nền thương mại thông minh đang ở thời kỳ tái cấu trúc hệ thống, và những sự dịch chuyển tưởng chừng trái chiều đó thực chất là cùng hướng: Tất cả các nhà bán lẻ, đi đầu là những tập đoàn và công ty lớn, buộc phải hiện diện thường trực, không chỉ trên Internet mà cả trên mặt đất, và cả hai phải hoạt động liền lạc với nhau trong hệ sinh thái đa kênh. Điều này có nghĩa là đa kênh không còn là sản phẩm riêng của các chuỗi cửa hàng mặt đất mà là của cả nền thương mại mới, trong đó có cả những công ty thương mại điện tử.
Đa kênh không còn là sản phẩm riêng của các chuỗi cửa hàng mặt đất mà là của cả nền thương mại mới, trong đó có cả những công ty thương mại điện tử.
Thay đổi chuỗi cung ứng trong thời kỳ mới
Sự tự động hóa trong ngành bán lẻ đang giết chết việc làm, nhưng thương mại điện tử và trào lưu đa kênh lại được xem là “cỗ máy” tạo ra những việc làm mới, nhiều hơn số công việc bị mất đi, với những khoản thu nhập cũng cao hơn. Điều nghịch lý này được chứng minh bởi những cuộc thống kê và nghiên cứu được thực hiện ở Mỹ. Cụ thể, khi công việc về hành chính, kế toán biến mất thì các trung tâm hoàn thiện đơn hàng và các đơn vị giao nhận lại thông báo các đợt tuyển dụng nhân sự với số lượng lớn. Tiến sĩ Michael Mandel, nhà kinh tế chiến lược tại Viện Chính sách Tiến bộ ở Washington, nhận định quá trình chuyển đổi từ thương mại truyền thống sang thương mại đa kênh cũng đóng góp vào mục tiêu phát triển việc làm cho xã hội.
Để đưa ra lời nhận định không chính thống này, tiến sĩ Mandel đã có cuộc điều tra tại Thung lũng Silicon (Silicon Valley). Ông đã ghi nhận từ tháng 12-2007 đến tháng 5-2017, ngành thương mại điện tử ở Mỹ tạo ra 397.000 việc làm mới, so với 76.000 công việc mất đi nơi các công ty bán lẻ truyền thống. Và điều đặc biệt hơn nữa là mức thu nhập của nhân viên làm trong ngành thương mại điện tử lại cao hơn mức lương bình quân tại các cửa hàng bán lẻ đến 30%. “Thành thực mà nói, kết quả khảo sát này làm cho tôi ngạc nhiên, bởi tôi cũng không nghĩ rằng sẽ như thế”, ông nói.
Nhiều nhà kinh tế đã không tin vào điều phát hiện của Mandel. Nhưng những con số tại Amazon đã chứng minh cuộc điều tra của Mandel là đáng tin cậy. Trong khi Amazon cho biết số nhân viên của họ tại Kentucky lên đến 12.000 người thì Văn phòng Thống kê việc làm tại địa phương lại chỉ ghi nhận 2.640 người, trong khi đó, số công nhân tại các kho chứa hàng lại tăng lên đến 23.000 người. Văn phòng này đã không thể phân biệt kho hàng (warehouses) của các công ty bách hóa với các trung tâm hoàn tất đơn hàng trong thương mại điện tử, và nhầm lẫn nhân viên kho vận với những người làm việc tại các trung tâm phân phối (distribution centers) hàng hóa mua trực tuyến. Nền thương mại đang chuyển sang đa kênh quá nhanh, bao gồm các công ty thương mại lẫn công ty thương mại điện tử, và hệ thống hậu cần cùng chuỗi cung ứng cho hệ thống đó đã thay đổi làm cho các nhà quản lý lúng túng.
Đa kênh đang trở thành một phương thức thương mại mới, giúp phối hợp các kênh bán hàng một cách thống nhất, giúp tăng độ phủ sóng thương hiệu và sự quan tâm đến khách hàng nhiều hơn, không chỉ làm nâng cao giá trị của thương hiệu mà còn thúc đẩy doanh số một cách đáng kể. Sự chuyển mạnh sang đa kênh không chỉ làm thay đổi cấu trúc hạ tầng của nền thương mại mà còn có tác động tích cực đến hệ thống việc làm: thương mại điện tử, thương mại di động và các hình thức bán hàng trên mạng không làm biến mất các nhân viên cửa hàng bách hóa mà đang tạo ra một lớp người lao động mới, mà một số tự trả lương cho mình bằng lợi nhuận kinh doanh cao hơn trong chuỗi cung ứng mới. Tiến sĩ Mandel cũng lý giải rằng trước đây lợi nhuận thuộc về những ông chủ, nhưng trong nền thương mại mới, lợi nhuận được chia đều cho các nhân sự làm việc trong chuỗi cung ứng.
Sự đa kênh hóa nơi các công ty nhỏ
Khi kinh doanh đa kênh trở thành một phương thức thương mại mới thì việc giao hàng trong ngày là một tiêu chí về chất lượng dịch vụ của các công ty bán lẻ, bất kể đó là công ty thương mại điện tử hay công ty thương mại truyền thống. Cuộc cạnh tranh về thời gian giao hàng càng trở nên sôi động khi ngày càng có nhiều nhà bán lẻ quy mô nhỏ (có thể là một tiệm cà phê, tiệm sách báo hay cửa hàng văn phòng phẩm) đưa hàng lên mạng để bán. Họ đang cạnh tranh thị phần với các công ty trực tuyến bằng chính những cơ sở vật chất mà họ đã đầu tư, biến chúng thành những căn cứ hậu cần, những trung tâm hoàn tất đơn hàng và rồi phân phối hàng đến tận tay khách. Nhưng đặc điểm của các hệ thống đa kênh là ít khi nhà bán lẻ tự đầu tư trung tâm phân phối, trái lại ủy thác cho các công ty phân phối chuyên nghiệp và nhờ thế làm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Sự chuyên nghiệp của các công ty phân phối như Deliv lôi kéo không chỉ các công ty bách hóa mà cả những công ty thương mại điện tử quy mô nhỏ cùng tham gia để cạnh tranh với các tập đoàn thương mại lớn như Amazon hay Alibaba.
Cuộc tái cấu trúc khâu hậu cần và chuỗi cung ứng đang diễn ra rất nhanh, bởi đây là huyết mạch thành công của mỗi doanh nghiệp.
Deliv, một công ty khởi nghiệp (startup) trên nền tảng Internet với tuổi đời năm năm, hiện đang cung cấp dịch vụ giao hàng trong ngày cho hơn 4.000 doanh nghiệp tại 1.400 thành phố ở 33 quốc gia. Sự tăng trưởng nhanh chóng của Deliv chứng tỏ tính hiệu quả của việc nối dài chuỗi cung ứng đến các công ty chuyên nghiệp, và cũng giúp thu hút khách mua sắm tại các cửa hàng. Thay vì tự mang hàng về nhà, khách sau khi chọn hàng sẽ sử dụng phần mềm ứng dụng trên điện thoại để đặt dịch vụ giao nhận và thanh toán trên đó thay vì tại quầy thu ngân.
Deliv chọ biết họ muốn đảm nhận phân khúc cuối cùng trong chuỗi giá trị thương mại nhằm giúp cho các công ty bán lẻ rảnh tay để chuyên chú vào việc kinh doanh, và việc này tạo nên sự tiện ích cho các nhà bán lẻ khi Deliv được tích hợp trên các kênh bán hàng của họ, từ trang web đến các trang mạng xã hội. Deliv hiện diện ở đó như một ứng dụng mà cả người bán và người mua đều cần đến để thực hiện công đoạn cuối cùng là giao hàng. Deliv cũng cho biết họ sắp xếp để giao hàng đúng giờ hẹn và nơi hẹn của người mua hàng, và những gói hàng mà doanh nghiệp gửi cho khách hàng ở một thành phố khác, với thời hạn giao dưới 3 giờ sẽ có phí tối thiểu là 12,5 đô la. Deliv tự tin cho biết năng lực giao hàng trong ngày của họ đã ngang ngửa với chất lượng dịch vụ Amazon Prime, vốn chỉ dành riêng cho những thành viên ưu tiên của Amazon.
Trong hơn 4.000 khách hàng doanh nghiệp của Deliv hiện nay có nhiều tên tuổi lớn, bao gồm cả những công ty thương mại điện tử, các tập đoàn bán lẻ đang triển khai hệ thống đa kênh hữu hiệu như Best Buy, Bloomingdale’s, BloomThat, Fry’s Electronics, K&L Wine Merchants, Office Depot, PetSmart, Macy’s, Plated và The UPS Store. Ngay cả tập đoàn giao nhận hàng đầu của Mỹ là UPS cũng nhận ra thế mạnh của dịch vụ giao hàng trong ngày, và chính họ đã đầu tư vào Deliv nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho mình. Daphne Carmeli, sáng lập viên kiêm Giám đốc điều hành Deliv, nhận định rằng việc giao hàng trong ngày đã trở thành một tiêu chí cho các nhà bán lẻ. Và với Deliv, nhà bán lẻ có thể cung cấp cho khách hàng của họ dịch vụ chất lượng cao mà không phải đầu tư hệ thống phân phối của riêng mình. “Với sự nhanh chóng kịp thời, sự linh hoạt và khả năng hiện diện ở những nơi cần thiết, chúng tôi đang giúp họ cạnh tranh với Amazon”, Carmeli cho biết.
Nói tóm lại, cuộc tái cấu trúc khâu hậu cần và chuỗi cung ứng đang diễn ra rất nhanh, bởi đây là huyết mạch thành công của mỗi doanh nghiệp.
* Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn